• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to footer

nhquang & associates

  • EnglishEnglish
  • Follow us
    • NHQuang Legal Blog
    • Facebook
    • Youtube
e
  • Giới thiệu
    • Con người
    • Đối tác
    • Sứ mệnh & Tầm nhìn
    • Trách nhiệm Xã hội
    • Văn phòng
  • Lĩnh vực
    hành nghề
    • Giải quyết Tranh chấp
    • Kinh doanh thương mại
    • Lĩnh vực khác
    • Nghiên cứu &
      Vận động chính sách
    • Sở hữu trí tuệ
    • Tài chính & Thuế
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Tư liệu
    • Bài viết
    • Bản tin Pháp luật &
      Nhận định Chính sách
    • Sách đã xuất bản
    • Sự kiện
    • Tài liệu Nghiên cứu
    • Truyền thông
  • Phát triển nghề Luật
    • Cơ hội nghề nghiệp
    • Cơ hội thực tập
    • Đào tạo nội bộ
    • Thư viện nội bộ
  • Liên hệ
Home
Điểm tin
empty

Bài học lập pháp mang tên Bộ luật Hình sự

Thực tế cuộc sống không bao giờ bế tắc nếu chúng ta biết và dám đơn giản nhìn lại hay đặt vấn đề một cách khác đi.

Quốc hội khóa 13 kết thúc, được đánh dấu bởi hàng loạt sai sót được phát hiện trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) mới được thông qua khiến bộ luật này bị hoãn thi hành ngay từ khi chưa có hiệu lực. Quốc hội khóa 14 bắt đầu bằng bởi việc bác tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cùng với thông báo tiếp tục trì hoãn xem xét dự luật Biểu tình. Người dân đang tự hỏi rằng liệu có thể làm gì hơn một khi Chủ tịch Quốc hội khóa 13 đã từng kết luận: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?”.

Với câu chuyện BLHS, tôi lắng nghe sự giải thích từ các bên liên quan và thấy tựu trung ba điểm: BLHS vẫn đúng về quan điểm mà chỉ sai sót kỹ thuật; BLHS được xem xét và thông qua quá gấp; BLHS được thông qua theo đúng quy trình mới, tuy nhiên có vấn đề ở chỗ Chính phủ với tư cách người soạn thảo không còn trách nhiệm và khả năng can thiệp sau khi dự luật đã được trình sang Quốc hội.

“Vấn đề” của Bộ luật Hình sự

Từ góc độ một chuyên gia pháp lý, tôi cho rằng bản thân cả ba vấn đề nêu trên đều rất “có vấn đề”.

Thứ nhất, giữa quan điểm và kỹ thuật lập pháp khi soạn thảo và thông qua BLHS thì tồn tại mối quan hệ thế nào và điều gì có ý nghĩa thực chất? Ai cũng biết mỗi đạo luật được tạo ra để áp dụng trong các tình huống pháp lý có liên quan chứ không phải để bình luận, khen chê. Vậy thì các “quan điểm” của nhà làm luật chứa đựng trong đó phỏng có ích gì, một khi những sai sót kỹ thuật của đạo luật, đặc biệt trong trường hợp đặc thù của BLHS, sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng về phán xử công lý, ví dụ như tòa hoặc không xử được hoặc sẽ xử sai.

Thứ hai, tại sao việc sửa đổi BLHS như một công việc có tính khá định kỳ và không có gì mới lại phải được làm quá gấp, vừa không phải là tình trạng khẩn cấp theo luật định, vừa không đúng với đặc điểm cần có của một hành vi nhà nước?

Các ĐBQH cần được và tự cởi trói cho mình để đến với nhân dân nói chung và các lực lượng chuyên môn trong xã hội nói riêng, thông qua đó nâng cao năng lực và khả năng quyết định của chính mình như là người đại biểu thực sự của nhân dân.

Thứ ba, dù đó chính là sự “đúng quy trình” khi thông qua BLHS, tuy nhiên như tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận xét, nó vẫn “không đúng tiêu chuẩn”. Lý do này theo tôi là lời giải thích gây nên sự quan ngại lớn nhất.

Trong thời gian vừa qua, xã hội đã chứng kiến hàng loạt vụ việc trong hoạt động thực thi pháp luật, chính sách ở các ngành, các cấp mà sau khi kiểm điểm trách nhiệm đều được kết luận bằng một điệp khúc “đúng quy trình”. Đó không chỉ là những vụ việc liên quan đến bổ nhiệm và đề bạt nhân sự lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn trong các các công trình, dự án đầu tư siêu lớn như Formosa Hà Tĩnh. Cần thấy tính nghiêm trọng của vấn đề ở chỗ, nếu “đúng quy trình” là một thuật ngữ của giai đoạn kiểm điểm trách nhiệm nội bộ thì khi chuyển sang thủ tục truy cứu trách nhiệm pháp lý, nhiều khả năng nó sẽ được phiên ngay lập tức thành “đúng pháp luật” và do đó, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm cả.

Câu hỏi là phải chăng cái vấn nạn “đúng quy trình” mà người dân đang phải chịu đựng mà không thể chống đỡ ấy đã lây lan sang các hoạt động nghị trường, nơi chính các đại biểu của nhân dân có thể đã, đang và sẽ bấm nút để thông qua luật với một tâm thức hoàn toàn xơ cứng và vô cảm?

Nhìn lại vai trò của đại biểu Quốc hội

Chúng ta lưu ý rằng trong trường hợp của BLHS vừa qua, có tới 415/435 ĐBQH (chiếm 84,01%) đã biểu quyết tán thành thông qua dự luật với trên 90 sót ở các điều khoản khác nhau. Các ĐBQH khóa 13 đã tự nhận trách nhiệm, tuy nhiên, từ góc độ phân tích chuyên môn thì liệu họ có lỗi không, và nếu có thì đó là lỗi gì?

Lập pháp, ở bất cứ đâu, là hoạt động chính trị đồng thời cũng là hoạt động chuyên môn. Không cử tri nào khi bầu người đại diện cho lợi ích của mình tại Quốc hội lại đòi hỏi người đó phải là chuyên gia về luật pháp hay bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào khác. Vậy, khi các ĐBQH nói trên xem xét 426 điều của BLHS để quyết định có thông qua hay không thì họ đã hành động với tư cách gì?

Ít nhất họ phải là nhà chính trị, xét theo ý nghĩa giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phối quyền lực và xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội bằng việc khẳng định các quan điểm lập pháp. Tuy nhiên, quan điểm lập pháp có ý nghĩa gì nếu không được hiện thực hóa thông qua các giải pháp kỹ thuật pháp lý? Các ĐBQH sẽ dựa vào đâu để có năng lực đưa ra quyết định trong khía cạnh quan trọng này?

Các quy trình lập pháp hiện hành rất bài bản, chi tiết và cụ thể, hơn nữa lại được tuân thủ một cách nghiêm túc cho mọi loại hình văn bản, từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo, đến giải trình – thẩm định, lấy ý kiến và thẩm tra, chỉnh lý… Tuy nhiên, tuân thủ quy trình luôn luôn là công việc của cơ quan, tổ chức, trong khi ra quyết định lại bắt buộc là hoạt động cá nhân. Điều đáng nói là trong hoạt động của Quốc hội hiện nay, nếu yếu tố “quy trình tập thể” như một kỷ cương được nhấn mạnh thì khía cạnh rất quan trọng khác lại bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Đó là tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết và sáng tạo cá nhân của mỗi ĐBQH khi hành động trên cương vị một người đại diện độc lập của cử tri. Ở một thời điểm mà hàng trăm con người cùng quyết định về một vấn đề mà tất cả họ đều không biết rõ thì đó là hiện tượng gì, nếu không phải là sự tự trói buộc một cách tập thể vào các quy trình xơ cứng và vô cảm dẫn đến làm biến mất các năng lực sáng tạo, chủ động?

Để minh họa cho sức mạnh của năng lực cá nhân, ngay trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến các ĐBQH về việc hoãn thi hành BLHS mới, báo chí đã đăng tải ý kiến phân tích xác đáng của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao và một số luật sư về các sai sót của bộ luật này. Điều này là một ví dụ hùng hồn cho thấy các quy trình tập thể không thể thay thế các hành vi và sự sáng tạo cá nhân. Tiếp đó, một cách cụ thể, người ta có thể tự hỏi rằng để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra và hơn nữa, trong trạng thái bất an khi bám nút thông qua luật, tại sao Quốc hội nói chung và các ĐBQH nói riêng đã không đề xuất một việc làm đơn giản, đó là trưng cầu tư vấn hoặc thẩm định phản biện của các chuyên gia độc lập về dự án luật này?

Từ bài học mang tên BLHS, một nhu cầu cải cách mới đã đặt ra cho Quốc hội khóa 14 đang mới bắt đầu. Vấn đề ở chỗ nếu chỉ giải quyết bài toán trách nhiệm và năng lực cá nhân của các ĐBQH thông qua tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng thì các hoạt động này sẽ không bao giờ đủ. Hãy đặt lại vấn đề bằng cách vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện pháp lý và thực tế để các ĐBQH có thể kết nối với các nguồn lực vô cùng dồi dào và phong phú trong xã hội.

Nếu nói rằng các việc kết nối này đã được bao hàm trong quy trình lập pháp hiện hành, chẳng hạn yêu cầu và thủ tục lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật, thì yếu tố này cũng đã trở nên xơ cứng và quan liêu hóa hơn bao giờ hết. Các quy trình được thực hiện bởi các cơ quan và tổ chức liên quan không thể thay thế hoạt động cá nhân phong phú đầy tính sáng tạo và nhiệt huyết của mỗi ĐBQH. Họ, các ĐBQH, cần được và tự cởi trói cho mình để đến với nhân dân nói chung và các lực lượng chuyên môn trong xã hội nói riêng, thông qua đó nâng cao năng lực và khả năng quyết định của chính mình như là người đại biểu thực sự của nhân dân.

Bài viết của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 29/07/2016

Xem bài viết gốc tại đây

social-sidebar

Find us on

Footer

Giới thiệu

  • Sứ mệnh & Tầm nhìn
  • Văn phòng
  • Con người
  • Đối tác
  • Trách nhiệm Xã hội

Lĩnh vực
hành nghề

  • Kinh doanh thương mại
  • Tài chính & Thuế
  • Sở hữu trí tuệ
  • Giải quyết Tranh chấp
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Các lĩnh vực khác

Tư liệu

  • Bản tin Pháp luật & Nhận định Chính sách
  • Bài viết
  • Sự kiện
  • Sách đã xuất bản
  • Truyền thông

Nghiên cứu
& Vận động
Chính sách

  • Tiếp cận Quyền
  • Cải cách thể chế
  • Tăng cường năng lực

Phát triển
nghề luật

  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Cơ hội thực tập
  • Đào tạo nội bộ
Ha Noi - Ho Chi Minh © 2023 NHQuang&Associates. Email: contact@nhquang.com