Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Về phạm vi điều chỉnh, trước đây Luật Cạnh tranh 2004 chỉ ràng buộc các hành vi được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam.

Trên thực tế, theo Tờ trình số 377/TTr-CP của Chính phủ trình lên Quốc hội ngày 06/09/2017 về Dự án Luật Cạnh tranh (“Tờ trình”), có rất nhiều vụ việc cạnh tranh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam.

Ví dụ như thoả thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam…

Với thực trạng trên, vì Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả… doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực nói trên, Điều 1 Luật Cạnh tranh 2018 được quy định theo hướng đề cập đến “thị trường Việt Nam”, cụ thể là điều chỉnh các hành vi “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”, tạo ra hành lang pháp lý để có thể điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi hạn chế cạnh tranh, nếu có tác động hay có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng giúp tạo ra cơ sở pháp lý để cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh mà Việt Nam đã đưa ra trong các hiệp định thương mại.

So với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 phần nào có sự thay đổi trong tư duy và cách tiếp cận pháp lý, đặc biệt là việc kết hợp chặt chẽ giữa tư duy pháp lý và tư duy kinh tế.

Tuy nhiên, bàn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018, có ý kiến cho rằng mặc dù Luật Cạnh tranh 2018 đã cố gắng mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng các điều khoản liên quan vẫn còn chung chung, không thể áp dụng vào các trường hợp cụ thể như vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Về đối tượng điều chỉnh, Điều 2 Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung đối tượng “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Theo đó, bất kể một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, kể cả cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh gây tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường Việt Nam, thì đều chịu sự điều chỉnh của Luật này. Quy định này xuất phát từ thực trạng cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác.

Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính… sẽ đem lại một số tác động tích cực bao gồm: giảm thiểu việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một nhóm các doanh nghiệp nào đó đến mức gây bất bình đẳng trong cạnh tranh; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích và tạo lập môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và không phân biệt đối xử; và đảm bảo sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính… tăng tính hiệu quả và đồng bộ của việc thực thi pháp luật cạnh tranh.

Kết hợp tư duy pháp lý và tư duy kinh tế

Cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh 2004 chủ yếu nhìn nhận sức mạnh của một doanh nghiệp trên thị trường ở góc độ “thị phần” mà chưa đi vào bản chất.  Cụ thể, một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát số lượng,… sẽ bị cấm nếu thị phần kết hợp của các bên trong thỏa thuận đạt ngưỡng 30%; nhóm doanh nghiệp gồm hai, ba và bốn doanh nghiệp được xem là thống lĩnh thị trường nếu đạt ngưỡng thị phần lần lượt là 50%, 65% và 75%; doanh nghiệp phải thông báo việc tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp đạt ngưỡng 30%, trong trường hợp thị phần kết hợp đạt trên 50% thì có khả năng thuộc trường hợp cấm tập trung kinh tế;…

Đây có thể xem là cách tiếp cận “cứng” và không thực tế bởi lẽ việc đánh giá và cấm tập trung kinh tế chỉ dựa trên tiêu chí thị phần không phản ánh đầy đủ, chính xác thực tế thị trường và mức độ tác động của vụ việc đến môi trường cạnh tranh, dẫn tới bỏ sót những trường hợp có khả năng tác động tiêu cực đến cạnh tranh hoặc ngược lại, quy định cấm những trường hợp trên thực tế không gây ra tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể.

Ngoài ra, việc chỉ sử dụng tiêu chí thị phần trên thị trường liên quan cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế. Trên thực tế các doanh nghiệp chỉ có thể biết và chịu trách nhiệm về doanh thu, doanh số của mình mà không thể biết doanh thu, doanh số chính xác của đối thủ cạnh tranh, do vậy, họ không thể tự xác định thị phần của mình trên thị trường liên quan nên khó có thể biết mình có thuộc trường hợp bị cấm hoặc phải thông báo tập trung kinh tế hay không.

Chính vì vậy, với mục tiêu khắc phục những hạn chế của Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Bổ sung quy định các tiêu chí để doanh nghiệp có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không, bao gồm: tổng tài sản, tổng doanh thu, giá trị giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường Việt Nam.

Thứ hai: Lược bỏ quy định về cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 50% trở lên trên thị trường liên quan (đồng thời bãi bỏ luôn quy định về trường hợp miễn trừ cấm tập trung kinh tế); thay vào đó, chỉ quy định cấm các hành vi tập trung kinh tế “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam”.

Thứ ba: Bổ sung các quy định mang tính cốt lõi liên quan đến đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh, xác định sức mạnh thị trường đáng kể nhằm đảm bảo nguyên tắc tư duy kinh tế khi đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp.

Thứ tư: Quy định rộng hơn về vấn đề tập trung kinh tế. Theo đó, thông qua việc thay đổi ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và thay đổi tiêu chí đánh giá, thẩm định tập trung kinh tế, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi kiểm soát bao gồm cả những giao dịch tập trung kinh tế theo chiều dọc và hỗn hợp thay vì chỉ kiểm soát các giao dịch theo chiều ngang như trước đây. Thời gian tối thiểu kể từ ngày nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến khi được phép thực hiện việc tập trung kinh tế, theo Luật Canh tranh 2004 là 52 ngày,  còn theo Luật Cạnh tranh 2018 con số đó lên đến 127 ngày.

Về vấn đề này, cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng, việc thông báo tập trung kinh tế theo quy định mới “không khác gì một giấy phép con trá hình”, gây chậm trễ cho quá trình tập trung kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần ghi nhận việc lần đầu tiên Luật Cạnh tranh quy định về đánh giá tác động tích cực đối với việc tập trung kinh tế, và đây là điều có lợi cho các doanh nghiệp.

Cũng cần lưu ý, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn quy định theo cách tiếp cận cũ của Luật Cạnh tranh 2004, cụ thể tại Điều 217 về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh, với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thị phần kết hợp đạt ngưỡng 30% gây thiệt hại cho người khác. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định của Luật cạnh tranh 2018 cho phép cơ quan cạnh tranh điều tra, xử lý đối với các hành vi này trong trường hợp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, kể cả trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 30% nhưng có những yếu tố khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Điều đó có nghĩa quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Điều 12, Luật Cạnh tranh 2018 có phạm vi rộng hơn so với quy định cấm tại Điều 217 Bộ luật Hình sự.

Với những thay đổi nổi bật như trên của Luật Cạnh tranh 2018 so với Luật Cạnh tranh 2004, các doanh nghiệp có thể hi vọng vào một khung pháp lý mới là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền cạnh tranh lành mạnh, đồng thời ngăn chặn những hành vi cạnh tranh bất chính.

Luật sư Đỗ Khắc Tất Hưng, Luật sư Vũ Diệu Thảo
Bài viết đăng trên Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp ngày 03/09/2018