• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to footer

nhquang & associates

  • EnglishEnglish
  • Follow us
    • NHQuang Legal Blog
    • Facebook
    • Youtube
e
  • Giới thiệu
    • Con người
    • Đối tác
    • Sứ mệnh & Tầm nhìn
    • Trách nhiệm Xã hội
    • Văn phòng
  • Lĩnh vực
    hành nghề
    • Giải quyết Tranh chấp
    • Kinh doanh thương mại
    • Lĩnh vực khác
    • Nghiên cứu &
      Vận động chính sách
    • Sở hữu trí tuệ
    • Tài chính & Thuế
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Tư liệu
    • Bài viết
    • Bản tin Pháp luật &
      Nhận định Chính sách
    • Sách đã xuất bản
    • Sự kiện
    • Tài liệu Nghiên cứu
    • Truyền thông
  • Phát triển nghề Luật
    • Cơ hội nghề nghiệp
    • Cơ hội thực tập
    • Đào tạo nội bộ
    • Thư viện nội bộ
  • Liên hệ
Home
Tư liệu » Truyền thông
empty

Bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người bị tạm giữ, tạm giam

Một người bị bắt tạm giữ, tạm giam không có nghĩa là là họ bị tước đi quyền tự do của con người mà họ chỉ bị hạn chế một số quyền để bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Để bảo đảm các quyền lợi chính đáng của đối tượng này, vấn đề quyền thăm thân cần được quy định cụ thể và thống nhất trong các văn bản luật và dưới luật.

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển phối hợp với Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự tổ chức tọa đàm khoa học “Thực thi quyền thăm thân của người bị tạm giam trước khi xét xử – Hiện trạng và khuyến nghị”.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự, hiện nay trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 mới chỉ có quy định về quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam khi tham gia tố tụng, chưa quy định về quyền được thăm thân, duy nhất Điều 89 quy định chế độ tạm giam khác chế độ tù giam với các quy định mang tính nguyên tắc, thiếu quy định cụ thể để thi hành. Còn lại, vấn đề này chỉ được quy định bởi các văn bản dưới luật như: Nghị định 89/1998/NĐ-CP; Nghị định 98/2002/NĐ-CP và Thông tư 08/2001/TT-BCA ngày 12/11/2001 của Bộ Công an quy định chung về tạm giữ, tạm giam.

Theo kết quả khảo sát do các luật sư, chuyên gia xã hội học của Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự, phối hợp với một số nhà nghiên cứu của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắc Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và An Giang đối với 141 người (74 luật sư, 17 cán bộ trợ giúp pháp lý, 50 thân nhân người bị tạm giam) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2013 thì việc thăm thân nhân có ý nghĩa quan trọng đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

Thông qua kết quả khảo sát cho thấy nghĩa vụ thông báo việc bắt giữ của cơ quan điều tra thường chậm hoặc không được thực hiện. Nội dung thông báo thường không đầy đủ, không bao gồm các chỉ dẫn về quyền thăm thân nhân. Trong trường hợp người bị tạm giam ốm đau, gia đình của họ cũng không được thông báo ngay và kịp thời.

Đáng lưu ý, đối với người bị tạm giam thuộc nhóm yếu thế (người già, phụ nữ, bà mẹ nuôi con nhỏ, trẻ vị thành niên…), trong văn bản pháp luật và trên thực tế, không có đối xử ưu tiên đối với họ trong thực hiện Quyền thăm thân. Thêm vào đó, đối tượng được thăm gặp về nguyên tắc chỉ bao gồm bố/mẹ; vợ/chồng và con…

“Tất cả đối tượng trả lời và phản hồi theo một khuynh hướng tương đồng, điều này thể hiện tính lô-gíc của khảo sát và khả năng tin cậy của thông tin thu được” – Luật sư Lập nói.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cũng chỉ rõ: Theo quy định tại Nghị định 09/2011/ NĐ-CP ngày 25/1/2011 về quy chế tạm giữ, tạm giam  thì “Người bị tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”. Như vậy, có thể hiểu việc gia đình và luật sư có được gặp người thân đang bị tạm giam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu trong trường hợp gia đình hay cả luật sư không được cho gặp thì cũng không phải sai luật.

Từ thực tiễn hành nghề luật sư, một số luật sư phản ánh, trong quá trình điều tra, truy tố đến khi xét xử, hầu như gia đình không được gặp bị can, ngay cả luật sư vào gặp riêng bị can trong quá trình điều tra cũng hầu như không được giải quyết. Cơ chế tạm giam tuy đã đuợc pháp luật quy định, nhưng qua thực tiễn thấy không thống nhất.

Theo đánh giá chung, nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các cơ quan điều tra, và có cả hiện tượng tiêu cực khi cấp phép và sự phân biệt đối với các vị trí xã hội khác nhau là ba yếu tố tác động, gây cản trở lớn nhất cho việc thực hiện quyền thăm thân đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Tại tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng một con người bị bắt tạm giữ, tạm giam không có nghĩa là họ bị tước đi quyền tự do của con người mà họ chỉ bị hạn chế một số quyền để bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa trong BLTTHS và trong các Nghị định về quyền thăm thân, mở rộng đối tượng thăm thân và các trường hợp, điều kiện thăm thân theo hướng tối đa hóa việc bảo đảm quyền thăm thân nhân của người bị tạm giam và chỉ hạn chế quyền này trong trường hợp có lý do thuyết phục rằng việc thăm gặp sẽ gây cản trở cho việc điều tra.

Cụ thể, để bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là được thăm thân của người bị tước tự do do vi phạm pháp luật theo các chuẩn mực quốc tế, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS, trong đó các quyền được thăm thân, được gia đình, người thân chăm sóc, điều trị y tế khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo… trong quá trình giam giữ; bỏ chế độ cấp phép và thay bằng chế độ đăng ký thăm gặp như áp dụng đối với tù nhân đang thụ án hiện nay; quy định cụ thể tần suất thăm gặp… Qua đó, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người bị tạm giữ, tạm giam, tránh sự tùy tiện áp dụng trong thực thi pháp luật, thể hiện tính nhân đạo cũng như sự nghiêm minh của pháp luật./.

Thu Hằng, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 11/10/2013

 

social-sidebar

Find us on

Footer

Giới thiệu

  • Sứ mệnh & Tầm nhìn
  • Văn phòng
  • Con người
  • Đối tác
  • Trách nhiệm Xã hội

Lĩnh vực
hành nghề

  • Kinh doanh thương mại
  • Tài chính & Thuế
  • Sở hữu trí tuệ
  • Giải quyết Tranh chấp
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Các lĩnh vực khác

Tư liệu

  • Bản tin Pháp luật & Nhận định Chính sách
  • Bài viết
  • Sự kiện
  • Sách đã xuất bản
  • Truyền thông

Nghiên cứu
& Vận động
Chính sách

  • Tiếp cận Quyền
  • Cải cách thể chế
  • Tăng cường năng lực

Phát triển
nghề luật

  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Cơ hội thực tập
  • Đào tạo nội bộ
Ha Noi - Ho Chi Minh © 2023 NHQuang&Associates. Email: contact@nhquang.com