• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to footer

nhquang & associates

  • EnglishEnglish
  • Follow us
    • NHQuang Legal Blog
    • Facebook
    • Youtube
e
  • Giới thiệu
    • Con người
    • Đối tác
    • Sứ mệnh & Tầm nhìn
    • Trách nhiệm Xã hội
    • Văn phòng
  • Lĩnh vực
    hành nghề
    • Giải quyết Tranh chấp
    • Kinh doanh thương mại
    • Lĩnh vực khác
    • Nghiên cứu &
      Vận động chính sách
    • Sở hữu trí tuệ
    • Tài chính & Thuế
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Tư liệu
    • Bài viết
    • Bản tin Pháp luật &
      Nhận định Chính sách
    • Sách đã xuất bản
    • Sự kiện
    • Tài liệu Nghiên cứu
    • Truyền thông
  • Phát triển nghề Luật
    • Cơ hội nghề nghiệp
    • Cơ hội thực tập
    • Đào tạo nội bộ
    • Thư viện nội bộ
  • Liên hệ
Home
Tư liệu » Truyền thông
empty

DN ‘ngắc ngoải’, ngân hàng vẫn không muốn cho chết – Vì sao?

Trao đổi với PV Thời báo Tài chính Việt Nam, Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, đối với xử lý các khoản nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng thương mại có thế chấp tài sản, ngân hàng không cần thiết và cũng “không muốn” làm thủ tục đề nghị phá sản đối với doanh nghiệp.

* Vì sao chủ nợ là những ngân hàng thương mại, không muốn để doanh nghiệp phá sản, thưa ông?

– Có thể có các lý do khác nhau cho từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên như bất cứ chủ nợ nào, đối với các ngân hàng thương mại, mọi quyết định trước hết đều xuất phát từ lợi ích của chính họ. Các khoản nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng thường mang tính đặc thù: đó là các khoản nợ có bảo đảm thông qua thế chấp tài sản.

Đã là nợ có bảo đảm thì ngân hàng không cần thiết, hay buộc phải có nhu cầu tiến hành thủ tục đề nghị phá sản doanh nghiệp, bởi họ có thể khởi kiện dân sự thông thường để đòi nợ và tiến hành xử lý tài sản thế chấp. Thậm chí, nếu doanh nghiệp bị phá sản thì ngân hàng với tư cách là chủ nợ có bảo đảm lại chịu bất lợi hơn, bởi các thủ tục phá sản sẽ khó khăn, phức tạp và kéo dài.

* Có ý kiến cho rằng, ngân hàng muốn doanh nghiệp được tái cơ cấu để phục hồi dần sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

– Không nên đơn giản cho rằng ngân hàng thương mại quan tâm chính đến tái cơ cấu để phục hồi sản xuất doanh nghiệp thay vì mở thủ tục phá sản, theo ý nghĩa tích cực và động cơ “thiện chí” của hành động này. Cần xem xét lại quá trình cho vay vốn doanh nghiệp của ngân hàng đã diễn ra như thế nào?

Trên thực tế những năm qua, khi kinh tế và thị trường phát triển nóng, ngân hàng cho vay khá ồ ạt với sự thẩm định khá dễ và các thủ tục cũng khá thoáng, đặc biệt liên quan đến định giá tài sản thế chấp, nhất là đối với bất động sản.

Nay, đối với các khoản vay đã thành nợ khó đòi, nếu ngân hàng làm ầm ĩ và công khai thông qua thủ tục phá sản thì đối chính họ, uy tín kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ số tín nhiệm và chất lượng hoạt động sẽ bị đánh giá lại và hạ mức. Thậm chí các vụ việc thẩm định và cho vay “dưới chuẩn” trước đây sẽ bị phát hiện, dẫn đến việc thanh tra và khởi tố của các cơ quan chức năng đối với các cán bộ liên quan…

Do đó, trong tình huống và với sự cân nhắc như vậy, các ngân hàng thường quyết định “để yên” cho các doanh nghiệp, đồng thời hy vọng với các hành động gây sức ép khác như phong tỏa nguồn vốn, quản lý bắt buộc đối với tài sản thế chấp, đe dọa khởi kiện dân sự hoặc khởi tố hình sự do “lừa đảo”, vì làm hồ sơ vay vốn không trung thực hoặc sử dụng vốn sai mục đích… họ sẽ có hy vọng thu hồi nợ.

Hoặc nếu không thu hồi được nợ thì ngân hàng và doanh nghiệp sẽ cùng chấp nhận tình thế chung, tức cùng nhau trì hoãn các kết cục xấu (cho cả hai phía), chờ đợi và hy vọng điều “thần kỳ” nào đó sẽ đến như đúng với bản chất của quan hệ “cộng sinh” giữa hai bên.

* Như vậy, ông đánh giá thế nào về việc có sự vào cuộc của bên thứ 3 – đơn vị sẽ đứng ra tái cơ cấu lại doanh nghiệp?

 – Theo Luật Phá sản năm 2004, “bên thứ ba” đứng ra tái cơ cấu doanh nghiệp ở đây có thể là các chủ nợ cùng với sự tham gia và giám sát của Tổ quản lý và thanh lý tài sản do Tòa án thụ lý vụ án thành lập. Giải pháp này đã chứng tỏ không thành công cho đến nay sau gần mười năm Luật Phá sản đi vào cuộc sống.

Có thể kể đến nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có một “khiếm khuyết” căn bản, đó chính là bởi “bên thứ ba”, tức người ngoài cuộc, không có sự hiểu biết cũng như gắn bó máu thịt gì với doanh nghiệp thì làm sao có thể “tái cơ cấu” để phục hồi kinh doanh.

Trong trường hợp khi bên thứ ba có thể là các công ty tư vấn về doanh nghiệp, hoặc tài chính do chính các chủ doanh nghiệp lựa chọn, với kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, lại có vị thế khách quan nên có thể giúp chủ doanh nghiệp “chẩn bệnh”, sau đó cùng với chủ doanh nghiệp cứu chữa cho doanh nghiệp một cách có hiệu quả.

Trên thế giới, thông lệ của việc phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp là như vậy nhưng trong điều kiện thực tế của Việt Nam, có các khó khăn khách quan cho việc tiến hành giải pháp này. Thứ nhất, chúng ta không có nhiều hay thậm chí khá hiếm các công ty tư vấn giỏi về lĩnh vực này. Thứ hai, chính bản thân các doanh nghiệp đã không được tổ chức và hoạt động một cách chuyên nghiệp, chẳng hạn như không có sự minh bạch về báo cáo tài chính hay sự chuẩn mực về quy chế pháp lý, do vậy, sẽ rất khó khăn cho việc “chẩn bệnh” và “bốc thuốc”, kể cả khi đã tìm được bác sỹ giỏi.

* Có ý kiến cho rằng, có những trường hợp doanh nghiệp cần phải được tái cơ cấu lại mới có thể đủ điều kiện để phá sản. Quan điểm của ông về vấn đề này?

– Về pháp lý, Luật Phá sản doanh nghiệp không yêu cầu phải thông qua thủ tục bắt buộc như vậy, tức doanh nghiệp không còn khả năng hay không được các chủ nợ yêu cầu thì Tòa án có thể cho thanh lý tài sản ngay và sau đó tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, cũng đồng quan điểm với nhiều người cho rằng Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2004 đã thất bại nên cần phải sửa đổi, tôi xin đề xuất rằng chúng ta cần có một cách tiếp cận hoàn toàn mới và khác với vấn đề này.

Đó là không coi thủ tục phá sản là biện pháp được tiến hành vì lợi ích trước hết của các chủ nợ và bởi thế, gắn với sự răn đe đối với các chủ doanh nghiệp. Thủ tục phá sản, xét về bản chất, chính là cứu cánh của các con nợ và do đó, Luật phá sản được ban hành để che chắn hay giúp đỡ họ “chống” lại sự bao vây, thậm chí nói một cách ví von là “hành hung” của các chủ nợ.

Chẳng hạn, một khi con nợ đã yếu lắm rồi, tức không thể trả nổi các khoản nợ (dù bằng bất cứ cách nào, bao gồm cả bị kiện ra Tòa và cưỡng chế thi hành án), thì hãy mở cho nó một con đường sống. Đó là thủ tục mà các nước gọi là “bảo hộ phá sản”, do chính bản thân con nợ yêu cầu Tòa án tiến hành. Và một khi sự thỉnh cầu đó được chấp nhận thì con nợ sẽ được giải phóng một cách tạm thời, tức yên thân và không bị các chủ nợ quấy rầy nữa, để rảnh tay cho việc tái cấu trúc kinh doanh, phục hồi hoạt động và lên phương án trả nợ.

Luật Phá sản là một giải pháp nhân văn, không phải sự trừng phạt. Nếu đặt lại vấn đề về phá sản doanh nghiệp như vậy thì tôi cho rằng phải chăng chúng ta sẽ tìm ra lối thoát cho sự bế tắc hoặc “dở sống dở chết” hoặc “chết mà không chôn được” của nhiều doanh nghiệp như hiện nay.

* Xin cảm ơn ông!

Không nên đơn giản cho rằng ngân hàng thương mại quan tâm chính đến tái cơ cấu để phục hồi sản xuất doanh nghiệp thay vì mở thủ tục phá sản, theo ý nghĩa tích cực và động cơ “thiện chí” của hành động này.

Hà Anh
Bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thời báo Tài chính Việt Nam ngày 26/11/2013

social-sidebar

Find us on

Footer

Giới thiệu

  • Sứ mệnh & Tầm nhìn
  • Văn phòng
  • Con người
  • Đối tác
  • Trách nhiệm Xã hội

Lĩnh vực
hành nghề

  • Kinh doanh thương mại
  • Tài chính & Thuế
  • Sở hữu trí tuệ
  • Giải quyết Tranh chấp
  • Nghiên cứu &
    Vận động chính sách
  • Các lĩnh vực khác

Tư liệu

  • Bản tin Pháp luật & Nhận định Chính sách
  • Bài viết
  • Sự kiện
  • Sách đã xuất bản
  • Truyền thông

Nghiên cứu
& Vận động
Chính sách

  • Tiếp cận Quyền
  • Cải cách thể chế
  • Tăng cường năng lực

Phát triển
nghề luật

  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Cơ hội thực tập
  • Đào tạo nội bộ
Ha Noi - Ho Chi Minh © 2023 NHQuang&Associates. Email: contact@nhquang.com