TBKTSG: Nhiều năm nay, theo cách phân loại của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, các hộ kinh tế cá thể (kinh tế cá thể) có tỷ trọng đóng góp cao nhất chứ không phải các doanh nghiệp tư nhân (kinh tế tư nhân). Trong bối cảnh thực tế này, chúng ta nên phát triển kinh tế tư nhân (theo nghĩa rộng là kinh tế ngoài nhà nước) theo hướng nào và vì sao, theo ông?
– Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trong một bài báo trước đây trên TBKTSG tôi đã nêu quan điểm kinh tế tư nhân là bản thân nền kinh tế bởi nó là hiện tượng tự nhiên, trong khi kinh tế nhà nước là một “sản phẩm nhân tạo”. Nói như thế có nghĩa rằng nếu kinh tế nhà nước cần phải có chính sách mới phát triển được thì với kinh tế tư nhân, để phát triển, chỉ cần có tự do, trong đó quan trọng nhất là tự do kinh tế.
Chúng ta cũng không nên phân loại thành kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân vì về bản chất nó là một, tức không thuộc sở hữu công hay được điều hành bởi Nhà nước. Sự khác nhau ở đây chỉ là quy mô, hình thức tổ chức pháp lý và trình độ hay cách thức quản trị. Trước đây, các nước từng phân biệt rất rõ giữa kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài bởi e ngại sự xâm lăng về kinh tế dẫn đến mất chủ quyền chính trị. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, quan niệm ấy đã thay đổi. Vấn đề không còn là ai, người trong nước hay người nước ngoài sở hữu các doanh nghiệp nữa một khi đã có sự tự do dịch chuyển xuyên biên giới cả về đầu tư, tài chính và lao động. Điều quan trọng trong khía cạnh này là các cá nhân nào, người Việt Nam hay người nước ngoài có tay nghề cao, trình độ quản lý giỏi và sở hữu các sáng chế và công nghệ. Đồng thời, một khi chúng ta đã có một nền kinh tế tư nhân, tức một nền kinh tế đích thực rồi thì theo tôi ở tầm chính sách vĩ mô chỉ còn ba câu chuyện đáng quan tâm và cần bàn thôi. Đó là khuyến khích tạo việc làm, tăng hàm lượng sáng tạo – ứng dụng công nghệ cao trong các sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường gây ra từ các hoạt động kinh tế.
TBKTSG: Nghị quyết mới định hướng“khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”. Định hướng này có giống định hướng tại Hàn Quốc nhiều thập niên trước: hình thành các chaebol? Theo ông, chúng ta có thể học được gì từ bài học thành công và thất bại của Hàn Quốc?
– Ở khía cạnh mô hình phát triển, tôi thấy có nhiều nét giống với con đường Hàn Quốc, vốn là một sự sao chép mô hình Nhật Bản, thay cho lối đi độc đáo của Đài Loan.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bức xúc với việc thoát nghèo và đuổi kịp thế giới, Chính phủ của Tổng thống Park Chung-hee đã đề ra chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được gọi là Chaebol. Bản chất là nhà nước hỗ trợ tín dụng giá rẻ và hàng loạt cơ chế ưu đãi khác cho các doanh nghiệp tư nhân để phát triển các dự án công nghiệp lớn, mở rộng cả trong nước và quốc tế với trình độ công nghệ và quản trị tiên tiến. Kết quả là chúng ta nhìn thấy sự “thần kỳ Hàn Quốc” như ngày hôm nay với một nền kinh tế hiện đại, đa phần tập trung trong tay các ông chủ lớn và các tập đoàn lớn.
Trong khi đó, Đài Loan cũng là một nền kinh tế có trình độ phát triển không kém, nhưng khá thầm lặng bởi chủ yếu dựa trên sự hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia khi phân tích cho rằng mô hình Hàn Quốc chứa đựng nhiều rủi ro hơn, như sự sáng tạo của các cơ cấu tổ chức lớn sẽ sớm đi đến giới hạn do ít tính nhân bản hay sự phình to về quyền lực kinh tế của các tập đoàn kinh doanh sẽ dẫn đến thao túng chính trị, làm cho cả chính trị, kinh tế và xã hội mất ổn định…
Riêng tôi cho rằng vấn đề là sự lựa chọn, đặt các mục tiêu kinh tế hay xã hội lên trên: lấy các chỉ số GDP, đầu tư, công nghiệp và tài chính hay chỉ số về phát triển con người làm mục tiêu? Các mô hình và con đường phát triển mà nhân loại đã đi qua luôn sẵn có và đa dạng, tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi quốc gia phải đưa ra lựa chọn về mục tiêu cho riêng mình.
TBKTSG: Nói gì thì nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh toàn cầu vẫn là điều cần thiết, thưa ông? Vấn đề là quá trình hình thành nó như thế nào…?
– Tôi quan niệm năng lực cạnh tranh của một quốc gia là hệ quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu chứ không phải là mục tiêu hay kết quả đầu ra của một chính sách cụ thể nào đó. Nhiều người lo ngại rằng chúng ta thiếu các doanh nghiệp hay sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng điều đó không đúng nếu nhìn nhận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vốn đang là lực lượng xuất khẩu hùng hậu, cũng là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh thực sự bao giờ cũng đến từ các khả năng của từng con người cụ thể và nó chỉ có thể được tạo ra từ một nền giáo dục và đào tạo tốt. Sau đó, hãy làm sao để Việt Nam trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc và kinh doanh cho tất cả mọi người. Chỉ cần làm được hai điều ấy thôi, tôi tin rằng các dòng vốn đầu tư, dòng công nghệ và dòng năng lực quản trị sẽ tự chảy đến theo chính các hiệp định về tự do thương mại mà chúng ta đã ký kết, thay cho việc duy nhất chảy đến là các luồng hàng hóa đủ loại, có giá trị thách thức và hủy hoại hơn là đóng góp và kiến tạo như hiện nay.
Một ví dụ trực quan là sự xoay hướng của chính nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mới chỉ lo sợ các nơi khác trên thế giới hấp dẫn hơn để đầu tư và kinh doanh, qua đó sẽ tạo ra các dòng chảy đi nhiều hơn là chảy về cho nền kinh tế mà chính sách của Mỹ đã phải thay đổi. Phải chăng đó chính là nét độc đáo của thời đại và là tính ưu việt của toàn cầu hóa, là yếu tố đang tạo ra những cơ hội lớn nhất mà chúng ta chưa bao giờ được hưởng?
Một chính sách tốt trong điều kiện hiện nay, theo tôi là một chính sách mang đến các quyền và cơ hội thay vì các lợi ích cụ thể. “Quyền” sẽ dành cho tất cả mọi người và “cơ hội” sẽ dành cho những ai có năng lực. “Quyền” sẽ được bảo vệ bằng hệ thống tư pháp còn “cơ hội” sẽ do thị trường quyết định.
TBKTSG: Trong nghị quyết này, để phòng những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế – xã hội, Đảng đặt vấn đề phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Theo ông, giải pháp nào để phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trên? Nếu chúng ta hình thành được các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân cũng sẽ góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước thì thực tế mới này có đặt ra những thách thức mới trong việc nhận diện, phòng, chống chủ nghĩa “tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm” hay không?
– Lợi ích nhóm như là một đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thân hữu đã được giới học giả quốc tế định nghĩa từ lâu, chứng tỏ nó là một hiện tượng tự nhiên và phổ biến ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Trong trường hợp có sự hỗn hợp, đan xen về sở hữu và quản trị giữa Nhà nước và tư nhân trong các doanh nghiệp hay từng dự án kinh tế đơn lẻ thì vấn đề trên còn phức tạp hơn nữa, thậm chí tới mức khó kiểm soát nổi. Vấn đề, do đó, là cách thức ứng phó với tình trạng đó như thế nào, một khi có sự quyết tâm thực sự của bộ máy chính quyền.
Mỗi nước đã và đang có những sự lựa chọn khác nhau. Ở nước ta, đó là việc ban hành và thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ở nhiều nước khác, đó là thực thi dân chủ, pháp quyền thông qua đó bảo đảm độc lập tư pháp và tăng cường quyền giám sát của người dân. Còn riêng Singapore thì có phương pháp độc đáo hơn, đó là bảo đảm mức thu nhập rất cao và có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân của các quan chức chính phủ, đi kèm với xây dựng các giá trị về danh dự và tự trọng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, dường như có một điểm cốt yếu chung của mọi cuộc chiến chống chủ nghĩa tư bản thân hữu và “lợi ích nhóm”, đó là phải tìm được nơi bắt đầu, dù đó là một cá nhân, như chính bản thân ông Lý Quang Diệu ở Singapore, hay một thiết chế cụ thể, chẳng hạn là một cơ quan chống tham nhũng có vị trí độc lập, sự trong sạch và quyền lực tối thượng ở nhiều quốc gia khác.
Nếu không có được điểm xuất phát đó, mọi cuộc chiến khởi đầu bằng sự vào cuộc đồng thời của cả một hệ thống vốn chính là bộ phận cấu thành của các “quan hệ thân hữu”, sẽ rốt cuộc chỉ là các khẩu hiệu mà thôi. Nói như vậy nhưng tôi vẫn tin rằng, nếu chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế tư nhân đúng nghĩa lấy cạnh tranh tự do và công bằng làm nền tảng, thì trong đó chủ nghĩa tư bản thân hữu và “nhóm lợi ích” như một vấn nạn sẽ giảm bớt đi rất nhiều
TBKTSG: Nghị quyết xác định cần “bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức”. Theo ông, để điều này có thể thành hiện thực, cần phải làm gì?
– Chúng ta cần làm rõ việc thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân từ góc độ đối tượng hưởng lợi. Nếu cả nền kinh tế hưởng lợi thì không có gì đáng e ngại về các tác động phụ tiêu cực có thể có của nó, chẳng hạn như giảm thuế, giảm chi tiêu thường xuyên cho hoạt động của bộ máy nhà nước để có tiền dành cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, bảo đảm độc lập tư pháp và cơ chế thực thi hợp đồng hay phòng, chống tham nhũng tốt… Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ giới hạn các chính sách khuyến khích vào sự ban phát các ưu đãi cụ thể cho các đối tượng nhất định, như là các loại doanh nghiệp, các lĩnh vực hay nhóm dự án kinh tế nào đó thì sẽ rất khó tránh việc xuất hiện các “quan hệ thân hữu” và “nhóm lợi ích”. Đơn giản bởi đó sẽ là sự “xin-cho”.
Tôi thấy người ta vẫn nói đến việc xây dựng các thiết chế để tăng cường giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng thường hay quên rằng không có thiết chế nào cao hơn con người, vốn là chủ thể vừa tạo ra và vừa vận hành thiết chế. Con người lại hành động theo niềm tin và nỗi sợ, mà một khi cả hai nhân tố đó đều đã suy giảm hay mờ nhạt cả thì việc xây dựng các thiết chế kia phỏng có ích gì?
Cho nên, một chính sách tốt trong điều kiện hiện nay, theo tôi là một chính sách mang đến các quyền và cơ hội thay vì các lợi ích cụ thể. “Quyền” sẽ dành cho tất cả mọi người và “cơ hội” sẽ dành cho những ai có năng lực. “Quyền” sẽ được bảo vệ bằng hệ thống tư pháp còn “cơ hội” sẽ do thị trường quyết định. Nói một cách khác, một chính sách dù chứa đựng các ý định tốt đến đâu cũng sẽ không nên được ban hành nếu một khi người xây dựng nó không lường trước và phòng ngừa được các tác động phụ tiêu cực như được đề cập trong nghị quyết của Đảng nói trên.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao VPLS NHQuang&Cộng sự, trọng tài viên VIAC trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 7/2017