Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020) cho thấy, cơ hội cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để giúp cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hiện nay còn khá lớn.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm nghiên cứu APCI đánh giá, sự “thụt lùi” của nhóm TTHC quan trọng cho thấy, công tác cải cách TTHC cần hướng đến mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp.
– Xin ông cho biết điểm khác biệt nổi bật trong Báo cáo APCI 2020 với 9 nhóm TTHC được doanh nghiệp đánh giá?
So sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện. Trong đó các nhóm thuế, TTHC kiểm tra chuyên ngành, TTHC môi trường, TTHC điều kiện kinh doanh là các nhóm cải thiện hơn so với năm 2019. Những nhóm có điểm APCI cao và có những tiến bộ là nhóm áp dụng công nghệ thông tin. Đồng thời chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Tuy nhiên, nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này cho thấy, dư địa cải cách TTHC vẫn còn rất lớn.
– Việc nhóm TTHC đầu tư “thụt lùi” điểm APCI so với năm trước gây khó khăn thế nào cho doanh nghiệp? Chỉ số này liệu có ảnh hưởng việc thu hút đầu tư, thưa ông?
Điểm APCI trung bình của nhóm TTHC đầu tư chưa được như mong đợi dù doanh nghiệp rất mong chờ. Với tổng chi phí trực tiếp trung bình là 9,15 triệu đồng/TTHC, nhóm TTHC đầu tư nằm trong nhóm có chi phí trực tiếp cao trong số bốn nhóm chi phí. Cùng với đó, nhóm TTHC Đầu tư có thời gian thực hiện dài trong số các nhóm TTHC được khảo sát, với số giờ làm việc bình quân mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra là 36,1 giờ.

Trong số các bước thực hiện TTHC về đầu tư, bước chuẩn bị hồ sơ là mất nhiều thời gian nhất, chiếm 50,7% tổng thời gian thực hiện, điều này phản ánh đặc thù về mức độ phức tạp của hồ sơ về đầu tư, đặc biệt là các hồ sơ liên quan đến tính pháp lý của đất đai và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xin cấp phép đầu tư.
Các chủ trương, chính sách đầu tư không nhất quán này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, đây là đánh giá giai đoạn 6 tháng cuối năm 2019 khi Luật Đầu tư năm 2020 chưa được áp dụng. Cũng phải nói rằng, điểm số là không tốt so với chính nhóm TTHC đầu tư của năm trước, đồng thời, thủ tục này liên quan nhiều TTHC khác, và liên quan đến việc thẩm định của nhiều sở, ngành. Doanh nghiệp phản ánh nhiều các đơn vị không có sự thống nhất trong quá thực hiện thủ tục, mỗi sở yêu cầu một khác và có khi chồng chéo nhau dẫn đế́n thời gian chuẩn bị hồ sơ kéo dài nhưng vẫn không thỏa mãn yêu cầu của tất cả các bên.
Việc công bố chỉ số này đặt ra yêu cầu, các cơ quan bộ ngành quản lý về đầu tư phải cải thiện hơn nữa các thủ tục liên quan đầu tư.
– Cụ thể cần cải thiện theo hướng nào, những giải pháp lớn là gì thưa ông?
Trước hết là điện tử hoá các TTHC, đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử. Trong đó, xây ựng hoàn thiện các quy định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, có cơ chế rõ ràng, minh bạch hoá về các quy trình hồ sơ, TTHC, nâng cao cơ chế phản hồi sớm. Việc xây dựng cơ chế phản hồi sớm cho các doanh nghiệp về khả năng vi phạm pháp luật giúp doanh nghiệp gần Chính phủ, tin tưởng vào các bước TTHC.
Thứ ba, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần mạnh dạn trao quyền cho doanh nghệp, xác định cơ chế hậu kiểm ở đây không chỉ là thanh tra, kiểm tra, tầm soát lỗi của doanh nghiệp để xử phạt, mà phải là xây dựng cơ chế phòng ngừa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thanh kiểm tra.
Đồng thời cần xác định ngay trong các TTHC chuyển sang hậu kiểm cần được dễ đoán định để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.
Thứ tư, nâng cao năng lực các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện hậu kiểm và kiểm soát bộ máy hành chính hậu kiểm ổn định.
– Xin cảm ơn ông!
Luật sư Nguyễn Hưng Quang – VPLS NHQuang&Cộng sự
Bài phỏng vấn đăng trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 20/03/2021