Việc chiến sĩ công an Đỗ Hoài Phương Minh “múa kiếm tấn công” lực lượng an ninh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng trước sự chứng kiến của hàng trăm hành khách, Việt Nam và nước ngoài, đã tạo nên những bất bình của người dân và đã làm suy giảm niềm tin Việt Nam là một đất nước an toàn. Người dân rất mong công lí được thực thi và niềm tin được phục hồi.
Kết luận của công an quận Hải Châu về không xử lí hình sự mà chỉ xử lí hành chính đối với Đỗ Hoài Phương Minh đã gây nhiều bất ngờ. Người viết cũng đồng ý với ý kiến của công an quận Hải Châu rằng: “sự việc nêu trên không thể giải quyết theo dư luận mà phải theo tình tiết khách quan mà công an điều tra được”. Đây chính là nguyên tắc của điều tra, truy tố và xét xử.
Tuy nhiên, người viết xin được phân tích lại vụ việc theo những thông tin được công bố dưới góc độ là nhà phân tích độc lập.
1. Việc công an quận Hải Châu chỉ điều tra sự việc dựa trên “tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được của Cơ quan CSĐT Công an Q.Hải Châu cũng như lời trình bày của các nhân viên an ninh Sân bay quốc tế Đà Nẵng (gồm Thái Quang Vinh, Nguyễn Việt Phương, Lê Thanh Nghị, Trần Quang Hà) và lời khai nhận của Đỗ Hoài Phương Minh” (trích nguyên văn) là chưa đầy đủ.
![]() |
Minh Phương “làm việc” với Công an tại Trung tâm An Ninh hàng không. Ảnh: VNN |
Thứ nhất, cơ quan điều tra đã không công nhận biên bản do Trung tâm An ninh hàng không sân bay Đà Nẵng lập (?);
Thứ hai, nếu chỉ dựa vào lời khai của nhân viên an ninh và chính đương sự thì không khách quan. Vì nhân viên an ninh có thể mô tả quá sự việc do bị tấn công hoặc không dám mô tả sự việc nữa vì đã bị đe doạ “cho bọn mày nghỉ việc hết”. Còn đối với đương sự thì xét theo tâm lí học tội phạm là sẽ chỉ khai những gì có lợi cho mình. Trong kết luận điều tra, không hề thấy công bố kết quả điều tra bằng việc phỏng vấn các nhân chứng độc lập. Đó là những người chứng kiến sự việc mà không hề bị ảnh hưởng bởi tâm lí của người có liên quan (người trong cuộc).
Trong khi đó, có nhiều tờ báo lại làm được công việc là phỏng vấn những nhân chứng khách quan để cho người đọc có được cái nhìn khách quan hơn về vụ việc.
2. Tôi không dám khẳng định có sự “bao che” trong vụ việc này vì không có bằng chứng, nhưng có thể khẳng định rằng “nhận thức pháp luật” và “năng lực điều tra” của công an quận Hải Châu là yếu.
Trong phần mô tả hành vi sự việc, công an quận Hải Châu có xác nhận hành vi “rút kiếm” thì trong phần xử lí lại áp dụng quy định “gây rối trật tự công cộng có mang theo vũ khí thô sơ”. “Rút kiếm” là hành vi tấn công hoặc nhằm tấn công, có động cơ phạm tội là nhằm gây thương tích cho người khác. “Mang theo vũ khí thô sơ” mới chỉ thể hiện có “hành vi có vũ khí” nhưng “kiếm phải chưa được rút ra khỏi vỏ”.
Mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hai hành vi này là hoàn toàn khác nhau. Hành vi “rút kiếm” dù chưa gây hậu quả nhưng đó là hình vi có “mức độ nguy hiểm cho xã hội”. Trong tố tụng hình sự (bao gồm điều tra, truy tố và xét xử) điểm quan trọng nhất để xác định tội phạm là xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Đây chính là căn cứ để phân chia tội phạm thành tội phạm theo mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đơn giản có thể đưa ra một ví dụ dễ hiểu là “hành vi ngang nhiên cướp của tại chợ đông người sẽ bị xử phạt nặng hơn là hành vi cướp tại nơi vắng vẻ và bỏ chạy”.
Hành vi của Minh xảy ra tại nơi đông người (sân bay), biết có lực lượng bảo vệ trật tự nhưng vẫn ngang nhiên đe doạ bằng lời nói và bằng hành động “có hung khí” thì chắc chắn không thể nào coi là “không có hậu quả nghiêm trọng” cho xã hội được.
Như đã đề cập ở trên, sân bay Đà Nẵng là cửa ngõ bước vào Đà Nẵng đối với khách nội địa và quốc tế và cửa ngõ vào Việt Nam đối với khách quốc tế, hành vi gây rối trật tự công cộng có sử dụng hung khí chắc chắn sẽ làm mọi người cảm thấy bất an khi đến nơi này. Hình ảnh thành phố Đà Nẵng và Việt Nam sẽ là rất xấu đối với những ai chứng kiến ngày hôm đó.
3. Nếu như xét hành vi của Đỗ Hoài Phương Minh không cấu thành tội: “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ” được quy định tại điều 233 Bộ luật Hình sự (điểm 1 của Kết luận) thì căn cứ điều tra và quá trình điều tra dường như không thấu đáo và nghiêm túc. Bởi vì nếu chỉ dựa vào lời khai của Minh để kết luận như trên thì kết luận quả là phiến diện.
Bản Kết luận Điều tra không nói đến quá trình điều tra hành vi này và không có nhân chứng về việc này. Vậy lấy cơ sở nào chứng minh là Minh “vừa mua xong”, “không biết để làm gì” (chỉ biết rút ra để chém người khác thôi?) hay có chiến sĩ ở Bình Dương nói với báo chí “là để làm kỉ niệm”.
Chắc hẳn “niềm tin nội tâm” của các chiến sĩ công an tại những địa phương này vào đối tượng là rất lớn. Bởi vì, có thể là Minh đã mua kiếm từ lâu và mang theo xe ô tô để đi du lịch các tỉnh phía Bắc thì sao? Tất nhiên mục tiêu có thể là để phòng vệ nhưng đó là “tàng trữ”. Mà đã là “tàng trữ” thì phải xử lí hình sự.
4. Đối với hành vi “gây rối trật tự công cộng” thì Bộ luật Hình sự có quy định rõ “người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng(?) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Nhưng công an quận Hải Châu đã không điều tra là Minh đã từng bị xử phạt hành chính hay chưa, hoặc đã bị kết án về tội này hay chưa. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và bản thân sự xác nhận của công an tỉnh Bình Dương, thì Minh đã từng bị xử lí “kiểm điểm và kỉ luật cảnh cáo” của công an tỉnh. Như vậy là Minh đã từng bị “xử lí hành chính”.
Do đó, không thể xử lí Minh bằng biện pháp hành chính một lần nữa vì không đủ sức mạnh để răn đe. Cũng xin lưu ý rằng, đây chỉ là một sự việc mà báo chí phát hiện về Minh, còn nhiều vấn đề khác cần sự công tâm của cơ quan công an khi điều tra.
5. Sự vận dụng pháp luật tài tình của cơ quan công an quận Hải Châu khi xử lí hành chính cũng có phần tương tự với sự vận dụng pháp luật của cơ quan công an tỉnh Bình Dương trước đây khi xử lí Minh sử dụng súng thành “công cụ hỗ trợ” mặc dù quy định của pháp luật rất rõ ràng về thế nào là “công cụ hỗ trợ” (xin xem thêm Nghị định số 47/CP của Chính phủ ngày 12/08/1996 về Quy chế quản lí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ). Vấn đề này có thể gây mất niềm tin của người dân vào tính công minh của các cơ quan pháp luật.
Rất mong rằng, sự việc này sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật độc lập, khách quan và công tâm để điều tra, truy tố và xét xử đúng với hành vi phạm tội, đem lại cảm giác yên bình cho người dân.
Minh Lý
Bài viết được đăng trên Vietnamnet.vn ngày 22/08/2007