Hợp đồng góp vốn là một trong những loại hợp đồng phổ biến hiện nay và được nhiều cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn để thỏa thuận việc cùng góp vốn kinh doanh. Tuy nhiên nếu hợp đồng góp vốn không được thỏa thuận chặt chẽ, không làm rõ được các vấn đề như: phần vốn góp, tỉ lệ phân chia lợi nhuận, quyền điều hành… thì việc tranh chấp phát sinh sau khi ký kết rất dễ xảy ra.
Vậy đâu là những điểm cần lưu ý khi ký kết hợp đồng vốn góp mà các doanh nghiệp cần biết. Những phân tích, tư vấn của Luật sư Phùng Quang Cường, Hòa giải viên Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn Luật sư Phùng Quang Cường đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Hiện nay rất nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức góp vốn để cùng thành lập doanh nghiệp, hoặc góp vốn vào một công ty với mong muốn đầu tư, kinh doanh… Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy rất nhiều vụ tranh chấp liên quan tới hoạt động này đã phát sinh. Vậy luật sư có thể cho biết những nguyên nhân chính dẫn tới những tranh chấp này?
Hợp đồng góp vốn hay Thoả thuận hợp tác giữa các thành viên hoặc cổ đông là một tài liệu quan trọng trong quá trình tiền thành lập hoặc hợp tác kinh doanh giữa các cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, Hợp đồng góp vốn hay Thoả thuận hợp tác cần được các bên xây dựng thật chi tiết, rõ ràng, dự liệu các tình huống phát sinh để khi gặp những vướng mắc các bên có thể căn cứ vào tài liệu này để giải quyết những vấn đề liên quan một cách dễ dàng. Thông thường một Hợp đồng góp vốn hay Thoả thuận hợp tác cần có những điều khoản cơ bản sau đây: i) mục đích của hợp đồng/thoả thuận cần xác định quyền và lợi ích kinh tế theo sự kỳ vọng của các bên; ii) số vốn góp (tỉ lệ góp vốn) của các bên; iii) điều kiện tiên quyết của việc góp vốn, thời hạn và những trường hợp được rút vốn; iv) tỉ lệ phân chia lợi nhuận; v) quyền và nghĩa vụ của các bên; vi) phương thức giải quyết tranh chấp…
Nguyên nhân của nhiều tranh chấp kinh doanh thương mại giữa cá nhân và doanh nghiệp, có liên quan tới Hợp đồng góp vốn hoặc Thoả thuận hợp tác. Ngoài những lý do dẫn đến đổ vỡ trong hợp tác như ảnh hưởng do yếu tố thị trường, lòng tham của con người phải kế đến văn kiện hợp tác góp vốn giữa các bên không được xây dựng một cách rõ ràng, chặt chẽ và thiếu các điều khoản giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa các bên.
Vâng, như ông vừa chia sẻ nguyên nhân dẫn tới tranh chấp thì rất nhiều trong đó có nguyên nhân liên quan tới nghĩa vụ góp vốn của các bên. Vậy từ thực tế này, theo ông mỗi bên tham gia góp vốn cần lưu ý những gì để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình cũng như hạn chế tối đa được rủi ro?
Việc thiết lập và giao kết văn bản góp vốn là một công đoạn trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa các bên. Tuy nhiên, điều cần thiết và quan trọng hơn là việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến Hợp đồng góp vốn hoặc Thoả thuận hợp tác kinh doanh. Qua đó, để bảo đảm được quyền lợi của mình, hạn chế rủi ro trong hợp tác, các bên cần lưu ý những vấn đề sau:
i. Cần phải lưu giữ chứng từ góp vốn như phiếu nộp tiền vào Công ty;
ii. Khi góp vốn bằng tài sản thì cần phải định giá theo phương thức thuê thẩm định giá hoặc Biên bản họp định giá trị của Hội đồng thành viên;
iii. Yêu cầu Công ty cấp Giấy chứng nhận góp vốn và đưa tên thành viên góp vốn vào danh sách thành viên công ty.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho phần vốn góp của mình thì sau khi tham gia góp vốn vào doanh nghiệp hoặc hợp tác thành lập doanh nghiệp mới thì mỗi thành viên góp vốn cũng cần phải có những lưu ý gì thưa luật sư?
Khi đã góp vốn vào doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp mới thì thành viên góp vốn sẽ trở thành một người quản lý của doanh nghiệp. Do đó, thành viên góp vốn phải thực hiện quyền kiểm soát hoạt động của công ty mà mình góp vốn và nắm được dòng tiền ra vào trong công ty, lợi nhuận hàng năm thông qua các hoạt động quản lý cơ bản được quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện hành năm 2020 như sau:
a) Tham dự họp công ty, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc hoạt động của công ty;
b) Yêu cầu triệu tập họp để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;
c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;
d) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp, nghị quyết, quyết định và tài liệu khác của công ty.
Việc lựa chọn đúng đối tác có năng lực về tài chính, về đạo đức cũng quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp, của sự hợp tác giữa các bên. Vậy ông có thể đưa ra những tư vấn để các tổ chức cá nhân có thể lựa chọn được những đối tác tốt phù hợp với mục tiêu đầu tư, kinh doanh của mình?
Việc lựa chọn đối tác kinh doanh cần phải cẩn trọng và nghiên cứu kỹ càng, đối tác cần có mối quan hệ lâu năm để các bên trong hợp tác đều hiểu và biết nhau trong các mối quan hệ khác ngoài quan hệ kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần đánh giá đối tác thông qua kết quả hoạt động và thương hiệu của họ trên thương trường. Tính nghiêm túc, cẩn trọng, tôn trọng, uy tín là những đặc tính để các bên có thể hợp tác. Nhìn một cách tổng thể thì việc lựa chọn đối tác cũng cần phải dựa vào các yếu tố cơ bản sau đây:
i. Xác định rõ kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh;
ii. Cân nhắc kỹ mối quan hệ với đối tác trước khi góp vốn;
iii. Cần phải thoả thuận rõ ràng trong các tài liệu pháp lý như Thoả thuận thành viên; Thoả thuận cổ đông; Điều lệ công ty về phương án kinh doanh, quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông trong quá trình hợp tác;
iv. Lưu giữ và thực hiện các cuộc họp nghiêm túc, bài bản như quy định trong Điều lệ để làm bằng chứng khi có tranh chấp;
v. Việc góp vốn, mua cổ phần và đứng tên sở hữu phần vốn góp, sở hữu cổ phần cần phải thực hiện chính xác, thực chất và lưu giữ các chứng từ tài liệu có liên quan.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn được đăng trên Báo Tiền Phong ngày 18/05/2022