Khi khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp nói rất muốn chuyển cơ chế quản lý nhà nước từ tiềm kiểm sang hậu kiểm để giảm bớt chi phí chờ đợi, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp…
Nhưng, thực tế triển khai khiến mong muốn này giảm đi.
Lý do là, doanh nghiệp đang không đoán định được việc thực hiện hậu kiểm như thế nào, khiến hoạt động kinh doanh rơi vào thế bị kiểm tra bất cứ lúc nào và không biết sẽ có rủi ro gì xảy ra sau đó. Thậm chí, có doanh nghiệp sợ cơ quan quản lý nhà nước vin vào cơ chế này để bắt lỗi, làm khó với mục tiêu xử phạt.
Biến tướng thanh, kiểm tra
Thực tế đã chỉ ra việc chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm không nên chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện về cấp phép hay yêu cầu về giấy phép từ giai đoạn “tiền kiểm” để thực hiện các hoạt động hậu kiểm mà các cơ quan nhà nước cần phải thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình.
Là người chắp bút cho Báo cáo báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020, bản thân tôi nhận thấy rằng hoạt động “hậu kiểm” của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp trong thời gian gần đây ngày một nhiều. Nhiều hoạt động hậu kiểm theo kế hoạch được thực hiện thông qua hình thức kiểm tra hoặc thanh tra chính thức và có thông báo trước cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng có những hoạt động hậu kiểm được thực hiện đột xuất thông qua các hình thức khác, như “xác minh đơn thư tố giác”, “kiểm tra đột xuất theo tin báo”…

Có thể, các hoạt động hậu kiểm theo kế hoạch hoặc đột xuất đã góp phần bảo đảm kỷ cương pháp luật. Nhưng nhiều hoạt động hậu kiểm đã làm doanh nghiệp cảm thấy bất an, lo lắng về tính minh bạch, tính đúng đắn của hoạt động này. Bên cạnh đó, phương thức và quy mô của một lần tới kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nếu không được xử lý cẩn thận thì cũng tác động tới cơ hội kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp.
Hậu kiểm tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp cũng phản ánh hoạt động hậu kiểm cần phải có các điều kiện, tiêu chí, phương thức thực hiện cụ thể, rõ ràng để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ nghĩa vụ trong công tác hậu kiểm.
Bên cạnh những lo lắng về tần suất, quy mô, phương thức và hình thức của các hoạt động thanh tra hay kiểm tra cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Báo cáo APCI đã phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp công tác hậu kiểm nên mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để truy cứu hành vi và xử phạt. Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.
Nói vậy để thấy rằng một số hoạt động hậu kiểm đang tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, những hoạt động hậu kiểm có thể tạo cho các quy định pháp luật trở nên khó đoán định, hoạt động của các cơ quan nhà nước thiếu đi tính minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình.
Do đó, để hoạt động hậu kiểm có hiệu quả, đúng bản chất thì hoạt động này cần tập trung vào hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật, chuẩn hoá các tiêu chuẩn, quy trình để đảm bảo doanh nghiệp có thể tự thực hiện một cách thuận lợi nhất, đồng thời nâng cao trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước trong mỗi lĩnh vực.
Những khó khăn doanh nghiệp gặp phải đôi khi không phải đến từ thể chế, chính sách mà xuất phát từ quá trình thực thi từ bộ máy nhà nước, cán bộ nhà nước và doanh nghiệp.
Khi công tác hậu kiểm được bổ sung, lồng ghép một cơ chế phản hồi sớm vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh thì thì sẽ giúp cho hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước trở nên “gần dân” và “vì dân” hơn
Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về điều kiện, hình thức của Luật Thanh tra 2010. Thủ tướng cũng có Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để hạn chế việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 01 lần/năm.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhấn mạnh tới yêu cầu hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang – VPLS NHQuang&Cộng sự
Bài viết đăng trên Diễn đàn doanh nghiệp ngày 27/03/2021